Hòa hợp với các biên tập viên khác Wikipedia:Bộ_quy_tắc_giản_lược

Quy định về cách ứng xử
  1. Cư xử văn minh với những người khác trong mọi trường hợp. Nếu bạn muốn phê phán, bình luận về những sự sửa đổi cụ thể, đừng nói xấu người khác về con người họ.
  2. Giữ thiện ý: Xin hãy cố xem người ở đầu kia của cuộc tranh luận là một cá nhân biết suy nghĩ, biết lý luận đang cố gắng đóng góp tích cực cho Wikipedia. Kể cả khi bạn tin chắc rằng đó là một kẻ [dùng cách chửi của bạn], hãy cứ giả vờ rằng anh/chị ta có ý định tốt. Chín mươi phần trăm trường hợp bạn sẽ nhận ra rằng họ thật sự có ý định tốt (còn chẳng may rơi vào mười phần trăm còn lại thì nổi nóng cũng chẳng giúp ích gì). Hãy thật hòa nhã. Hãy nghiêm khắc với những gì bạn đang làm và cởi mở với những gì bạn nhận được từ người khác. Hãy thử thích nghi với tật xấu của người khác nhiều nhất có thể, đồng thời cố gắng càng lịch sự và thẳng thắn càng tốt.
  3. Bàn bạc những thay đổi đáng lưu ý trong trang thảo luận: Tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc hành xử căn bản của Wikipedia. Dù mọi người đều biết đóng góp của họ có thể bị người khác sửa lại, sẽ dễ chấp nhận hơn nếu họ hiểu được lý do nó bị sửa. Trình bày những thay đổi trong trang thảo luận của bài viết trước khi bạn thật sự tiến hành sửa lại có thể giúp đạt được đồng thuận nhanh hơn, đặc biệt với những đề tài gây tranh cãi. Bạn hoàn toàn làm chủ thời gian của mình, nên hãy luôn cố gắng giải thích những thay đổi với biên tập viên khác, và hãy thoải mái yêu cầu người khác làm điều tương tự.
  4. Cẩn thận khi hủy bỏ thay đổi của người khác: Hồi sửa nội dung mà người khác đưa vào là một công cụ đầy quyền lực, vì thế chúng ta có luật ba lần hồi sửa: không cho phép một biên tập viên hồi sửa cùng một nội dung nhiều hơn ba lần trong vòng 24 giờ (thậm chí ít hơn). Cố gắng không hủy bỏ những thay đổi trong nội dung nếu chúng không phải là sửa đổi phá hoại hiển nhiên. Nếu bạn thực sự không chịu đựng nổi, hãy hồi sửa một lần với tóm lược như "Tôi không đồng ý, tôi sẽ giải thích lý do trong trang thảo luận" và ngay lập tức trình bày trong trang thảo luận của bài như một phần của quy trình thảo luận "kiểu wiki". Nếu ai đó tiếp tục hủy sửa đổi của bạn, đừng cố gắng đưa nó vào lại khi chưa thử thảo luận với họ.
  5. Cố gắng hiểu lý do bài viết hoặc thay đổi của bạn bị xóa: Nhiều chủ đề không đáp ứng độ nổi bật. Một số ý tưởng viết bài thiếu khôn ngoan thường xảy ra ở đây và bị xóa thông qua các quy trình như biểu quyết xóa hay xóa nhanh. Biên tập viên mới có thể làm theo hướng dẫn tại Bài viết đầu tiên của bạn để tránh rơi vào các ý tưởng thiếu khôn ngoan đó. Những đóng góp bị xóa thường chỉ vì không trung lập hay không được dẫn nguồn đầy đủ. Nhìn chung, tìm ra nguồn tốt hơn và đáng tin cậy hơn rồi tóm tắt chúng một cách khách quan và công bằng nhất có thể luôn luôn là cách làm hiệu quả sẽ giúp thay đổi của bạn nằm lại trong bài viết.
  6. Giải quyết mâu thuẫn: Bất đồng khi biên tập thường xuyên xảy ra nhưng chuyện đó không hẳn là xấu. Hãy tìm hiểu suy nghĩ của người kia về vấn đề đó và tìm cách tháo gỡ vướng mắc. Nếu bạn vẫn không đồng ý, hãy xin ý kiến của các biên tập viên khác mà bạn thân thiết, hoặc qua ý kiến của bên thứ ba, trung gian hòa giải hay mở một cuộc biểu quyết.